Xã Hoà Nhơn giao ban đầu năm Giáp Thìn 2024Lễ phát động Tết trồng cây năm 2024Ảnh 1: Hội nghị cán bộ, công chức và người lao động năm 2023
Giới thiệu chung
A+ | A | A-
Ngày đăng: 05/04/2023

        Trụ sở cơ quan hành chính xã Hòa Nhơn được xây dựng tháng 8 năm 1975, địa chỉ thôn Phước Thái, đến năm 1989 cơ quan xã được xây dựng mới tại thôn Phú Hòa 1, hiện nay Hòa Nhơn là xã nằm về phía bắc Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang, là xã vừa đồng bằng, vừa trung du có địa hình bán sơn địa. Vị trí phía Đông giáp phường Hòa Thọ Tây, Quận Cẩm Lệ, phía Tây giáp xã Hòa Phú, phía Nam giáp xã Hòa Phong, phía Bắc chạy dọc theo dãy núi Phước Tường giáp với xã Hòa Sơn. Xã có 3 HTX nông nghiệp, 01 trường Mầm non, 02 trường tiểu học, 01 trường trung học sơ sở và 01 trạm y tế xã.

        Về dân số có 3.566 hộ với 14.623 nhân khẩu được hình thành ở 15 thôn

        –Về tổ chức Đảng và đảng viên: Đảng bộ có 354 đảng viên với 22 chi bộ trực thuộc, trong đó có 15/15 chi bộ thôn, 04 chi bộ trường học, 01 chi bộ trạm y tế xã, 01 chi bộ cơ quan và 01 chi bộ quân sự.

        –Về tình hình đất đai: Tổng diện tích tự nhiên 3.259ha trong đó: đất nông nghiệp: 2.415,2ha; đất phi nông nghiệp: 715,1ha; đất ở nông thôn: 249,9ha. Xuất phát từ điều kiện địa lý tự nhiên hình thành qua các thời kỳ, xã Hòa Nhơn thuộc vùng bán sơn địa núi rừng chiếm 2/3 diện tích, đất đai phần lớn là ruộng bậc thang và chua phèn nên việc sản xuất lương thực và cây công nghiệp năng suất có hạn chế so với các xã trên địa bàn.

        Hòa Nhơn là một xã luôn gắn với quá trình hình thành và phát triển của mảnh đất Hòa Vang và cả thành phố Đà Nẵng. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ địa bàn xã Hòa Nhơn đã chia cắt và đặt nhiều tên xã trong nhiều thời kỳ, gồm có xã Thạch Thất, xã Diêu Đài, xã Phú Thọ; Xã Hòa Ninh, xã Hòa Nam, xã Hòa Phú, xã Hòa Thịnh và sau ngày đất nước được hòa bình độc lập mới hợp nhất đặt tên là xã Hòa Nhơn.

        Xã Hòa Nhơn là một trong những xã ven đô thành phố Đà Nẵng, có ví trí quan trọng đối với cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất Hòa Nhơn qua các thời kỳ trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là huyện Đảng bộ Hòa Vang đã phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống bất khất của quân và dân Hòa Nhơn nói riêng đã ra sức động viên sức người, sức của để xây dựng và phát triển lực lượng. Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Nhơn đã vận dụng sáng tạo các phương thức hoạt động và chịu đựng gian khổ ác liệt, hy sinh, mưu trí, linh hoạt, sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu, làm tốt vai trò nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giác; suốt chặng đường 30 năm quân và dân Hòa Nhơn cùng quân dân cả nước đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần thắng lợi giải phóng dân tộc. Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tập thể và cá nhân của cán bộ và nhân dân xã Hòa Nhơn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng như sau: Phong tặng 26 Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng; 158 Liệt sĩ, thương, bệnh binh 45 người, người có công cách mạng 20, tù đày 22 người, con Liệt sĩ 62 người, 45 Danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ các cấp, tặng thưởng 5 Huân chương độc lập, 95 Huân chương chiến công, 15 cờ thi đua quyết thắng, 20 chiến sĩ thi đua, 246 Huân chương, 56 Huy chương và tặng hàng trăm Bằng khen thành tích có công cách mạng các cấp. Năm 2015 xã Hòa Nhơn được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Sau ngày giải phóng năm 1975 xã Hòa Nhơn tập trung khôi phục lại hậu quả chiến tranh, phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từ năm 1986 đến nay sau chặng đường 30 năm đổi mới, Đảng bộ và chính quyền xã Hòa Nhơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế -xã hội, ổn định và đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.

        Giai đoạn 5 năm (2011-2015) xã Hòa Nhơn lãnh đạo, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, vận động nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí, đến nay xã luôn quan tâm chăm lo xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, nhất là điện, đường, trường, trạm được xây dựng mới khang trang, nâng mức sống cho các gia đình chính sách, xã hội ổn định, giải quyết không còn hộ đói, không còn hộ ở nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,5%, 100% hộ có điện thắp sáng, 100% đường giao thông được bê tông hóa, đầu tư xây dựng mới trung tâm văn hóa thể phục vụ các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho người dân vui chơi giải trí, xã Hòa Nhơn được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Quyết định công nhận 07 di tích lịch sử – văn hóa Đình làng, để lưu truyền giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc, hằng năm tổ chức các lễ hội truyền thống được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng; Trên địa bàn bàn xã có tuyến đường 14B Đà Nẵng đi Quảng Nam, tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tiểu thủ công nghiệp, buôn bán thương mại, dịch vụ, năm 2016 mức thu nhập bình quân đầu người 30 triệu/người/năm.

        Nhìn lại lịch sử đấu tranh và xây dựng cách mạng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Hòa Nhơn đã trải qua những khó khăn, gian khổ, thử thách gay go quyết liệt mà chúng ta đã giành được thắng lợi là phát huy sức mạnh truyền thống đoàn kết giữa Đảng với nhân dân, sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân “ Đảng nói dân tin, Mặt trận, đoàn thể vận động dân theo, Chính quyền tổ chức thực hiện nhân dân ủng hộ” không phân biệt tôn giáo tạo thành một khối đoàn kết thống nhất ý chí và hành động xây dựng và phát triển quê hương Hòa Nhơn ngày càng nhiều khởi sắc và đổi mới, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tin cùng chuyên mục

 
 
 
Lượt truy cập: 394,232 Hôm qua: 93 - Hôm nay: 11 Tuần này: 12,090 - Tuần trước: 907 Tháng này: 54,054 - Tháng trước: 36,177 Online: 5

LIÊN KẾT

Chung nhan Tin Nhiem Mang